Chiều 18-6-2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), bỏ quy định về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) ra khỏi luật.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị không quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo luật vì không đúng bản chất hợp tác công tư.
Đồng thời đề nghị dừng triển khai mới loại hợp đồng BT vì cho rằng thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt; có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã không quy định loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) tại dự thảo luật này nữa.
Thay vào đó là quy định rõ việc chuyển tiếp thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Cụ thể, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT. Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15-8-2020. Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện.
Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực, cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Như vậy, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua quy định 7 loại hợp đồng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT); Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO); Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO); Kinh doanh – Quản lý (O&M); Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL); Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BLT); hỗn hợp – kết hợp nhiều loại hợp đồng.
Luật cũng quy định 5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, gồm: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục – đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết quy định này có nghĩa là chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu và đã có thực tiễn triển khai trong 20 năm qua.
HÌNH THỨC ĐẦU TƯ PPP LÀ GÌ
Điều 3. Giải thích từ ngữTrong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau: 1. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. 2. Hợp đồng dự án là hợp đồng quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều này và hợp đồng khác theo quy định tại Khoản 4 Điều 40 Nghị định này. 3. Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 4. Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định. 5. Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác. 6. Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. 7. Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. 8. Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 9. Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (sau đây gọi tắt là hợp đồng O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định. 10. Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng dự án kết hợp các loại hợp đồng được quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này. |